Chatbox

Học từ vựng kiểu truyền thống

Công nghệ hiện đại, tôi thấy ngày càng nhiều công cụ hỗ trợ học tiếng Anh. Đủ loại app, phần mềm, các bạn cài ngập cả điện thoại, tràn cả bộ nhớ, vỡ cả RAM, nhưng kết quả là không thu về kết quả như ý muốn. Một điều các bạn nên khắc cốt ghi tâm khi làm mọi thứ: càng đơn giản càng tốt.
Các bạn có màu mè, hoa lá canh hẹ, nhưng không thu về hiệu quả, thì đấy là lỗi của bạn. Tôi nói rồi, sự đơn giản luôn làm chủ thế giới này, dù bạn có tranh cãi kiểu gì đi chăng nữa. Ông anh Anh-tanh nhà tôi nói rồi: “Hãy làm cho mọi thứ đơn giản đến mức thằng bé 5 tuổi có thể hiểu được”. Nếu bạn chọn cách phức tạp, vô hình trung bạn đã khiến chính bản thân mình rối rắm và dễ bị xao nhãng. Sử dụng app là cách nhanh nhất để xao nhãng.
Kể từ hồi tôi bước chân vào học ngoại ngữ tới giờ, tôi chỉ làm đúng một cách đơn giản và phổ thông nhất để cày từ mới: làm thẻ flashcard. Đó là cách cực kì hiệu quả và không bao giờ làm bạn xao nhãng. Chưa kể, bạn làm flashcard sẽ rất hay vì bạn hình dung được sau một thời gian bạn học nhiều tới mức nào.
Cách làm flashcard của tôi đơn giản như này: một mặt bạn ghi từ tiếng Anh và cách đọc cũng như loại từ. Mặt đằng sau ghi nghĩa, hoặc tốt hơn là ghi ví dụ nếu bạn cảm thấy khó xài. Tốt hơn nữa, cứ 100-200 flashcard thì bạn chuyển một màu cho nhanh, chứ đừng mỗi màu trắng tinh khôi, trông chán lắm. 
Để tiện làm flashcard, các bạn đừng tỉ mẩn như tôi ngày trước, cặm cụi kẻ kẻ, vạch vạch rồi cắt từng cái. Bạn ra hàng photocopy, mua một tập giấy màu, sau đó nhờ họ in theo kích thước đã định. Thường thì một tờ A4 có thể làm được 8-10 flashcard. Sau đó cho vào máy cắt, xoẹt phát xong luôn. Đơn giản hiệu quả. Trước tôi không biết cách, sau có đợt học viên làm theo biện pháp đơn giản này, thấy ưng quá. Đúng là cái gì cũng có cách, chỉ cần biết quan sát. Học tiếng Anh cũng thế, cứ flashcard mà quất cho tôi.
Bạn ôn flashcard cũng rất đơn giản bằng cách từ nào học thuộc rồi thì để nguyên một tập, chỗ nào chưa thuộc thì để tập khác. Lúc đi làm, đi học, đi chơi, chờ xe bus, có thể lôi ra ngắm nghía một chút. Cách này hiệu quả hơn hẳn việc cứ học cả mấy tiếng liên tục. Chia nhỏ ra cho não có thời gian nghỉ ngơi.

Học kiểu công nghệ

Nhờ công nghệ, flashcard có thể thực hiện dễ dàng trên máy tính. Bạn chỉ cần lên google, sớt “flashcard online” thì nó hiện cả đống. Nếu bạn ngại, tôi sẽ google cho bạn, hãy thử cram, anki hay quizlet xem.
Trước khi làm flashcard online, hãy lưu mọi thứ vào Excel để không bị mất trong quá trình chuyển dữ liệu. Một cách nhỏ tôi hay dùng là copy toàn bộ số từ cần học trong ngày và ném lên…Facebook, set chế độ Only Me là xong. Tuy nhiên, bạn cần phải rất tự giác vì lên Facebook để học thì ít mà ngồi ngó crush thì nhiều.
Khi có flashcard online, hãy phân thời gian cần học trong ngày để có ít nhất 10-20 phút ôn lại. Ghi nhớ sẽ theo quy luật của anh trai tôi là Ebbinghaus. Anh Hau bảo rằng, bạn sẽ quên tới 42% từ mới học được trong vòng 10 phút sau khi nhồi vịt. Do đó, hãy chủ động ôn lại, sau 10 phút, 1 tiếng, 1 ngày, 3 ngày và 6 ngày để đạt độ nhớ cao nhất. 
Nhưng bạn nên nhớ điều này, từ vựng học được nó vẫn nằm trong trí nhớ ngắn hạn, nên muốn nó lưu vào dài hạn, hãy chịu khó đặt câu và đọc thật nhiều. Một ông bác của tôi từng nói ý này rất hay khi tôi học mãi không thuộc từ mới: Mỗi lần ôn và đọc lại từ mới, nó sẽ như in mực. Sau vài lớp mực thì bản in sẽ rõ và lúc đó cũng là lúc bạn có thể sử dụng thành thạo.
Từ vựng là linh hồn của mọi ngoại ngữ, nên các bạn hãy bố trí thời gian trong ngày, thậm chí là trọng số tương đối lớn để cày từ mới. Với mọi ngôn ngữ, sau khi học xong ngữ pháp cơ bản, việc tiếp theo của tôi chỉ là luyện đọc và cày từ mới trong vài tháng. Khi đó, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều vì bạn có vốn từ độ 2-3.000. 

Post a Comment

Previous Post Next Post

Technology

Video