Chatbox


Vẫn lại là ngữ pháp

Các bạn hẳn còn nhớ, tôi có nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần, ngữ pháp và từ vựng là hai khía cạnh rất quan trọng mà các bạn cần chú ý khi luyện nghe tiếng Anh. Nếu có nền tảng ngữ pháp và từ vựng tốt, việc luyện nghe của các bạn sẽ nhàn hơn rất nhiều.
Thay vì cố sức dành mỗi ngày 3-4 tiếng luyện nghe và bật ra rả một đoạn băng bạn chả hiểu nổi nếu đọc cả script, hãy dành 1 tiếng nghe và 3 tiếng luyện, học ngữ pháp và luyện từ mới. Cái này quan trọng hơn nhiều. Mức độ nghe được của bạn nó sẽ tăng lên ở cùng mức độ với level ngữ pháp và từ vựng của bạn. Tin tôi đi. Nếu bạn tiếng Anh bập bõm, ngữ pháp chưa chắc, từ vựng lỏng lẻo, thì chỉ cần vài cấu trúc lắt léo khi nói là thôi ngủ khò khò mất rồi.
Kinh nghiệm luyện đọc, tôi đã chia sẻ ở các bài trước, nhưng nhắc lại thế này. Các bạn hãy dành thời gian đọc nhiều báo, tạp chí, sách vở bằng tiếng Anh. Đấy là cách nhanh nhất, thực tiễn nhất giúp bạn giảm thiểu rất nhiều thời gian học thứ ngoại ngữ tưởng như khó nhằn này.
Hồi tôi học tiếng Trung, mỗi ngày tôi đều lên Tân Hoa Xã, vợt những bài dài nhất về, kể cả là điếu văn, diễn văn hay tập làm văn về đọc. Càng dài tôi càng khoái. Đơn giản vì tôi biết thừa mỗi ngày chỉ cần đọc 30-40 trang là sau 3 tháng là đời tươi ngay. Ngoại ngữ y hệt như tập gym, bạn đi đều, tập chăm, ăn uống đúng cách, chắc chắn là người ngon nghẻ. Không bao giờ có chuyện bạn làm đúng phương pháp mà người lại xấu đi hoặc béo thêm cả. Chắc chắn là như vậy.
Trước đây có bạn từng hỏi tôi, ngày em đọc 1,2 bài báo đã đủ chưa, tôi bảo sao em không đọc ngày 10-20 bài? Ơ lạ nhỉ, tại sao chúng ta muốn giỏi mà lại để bản thân ở ngưỡng an toàn vậy? Vượt ra vùng an toàn thì mới giỏi nhanh chứ. Giỏi sớm còn đi cày tiền, bù lại mồ hôi, nước mắt (vì ngáp ngủ) khi học tiếng Anh chứ các bạn. Câu dầm đến bao giờ.
Chốt lại là, hãy luyện đọc, từ Reader’s Digest tới tạp chí Time, từ sách trẻ con tới Harry Potter, hãy dành thời gian, luyện đọc và học từ mới. Đó là điều cực kì quan trọng mà bạn cần làm ngay, dù tai bạn có thể chưa tiến hóa từ tai trâu sang tai Tây.

Luyện nghe thế nào?

Khi bạn lên tới trình độ trung-cao cấp, tài vở luyện nghe nó sẽ bạt ngàn, nhiều cực kì luôn. Chủ đề cũng vô số, thậm chí bạn có bơi cả ngày cũng không hết. Vậy thì làm thế nào để luyện nghe cho hiệu quả.
Việc đầu tiên, đó là hãy luyện nghe lại những cái cơ bản nhất, như cách nói thời gian, cách nói tiền bạc, các tình huống giao tiếp. Tôi sẽ đưa ra lí do như sau: khi các bạn luyện nghe cơ bản, các bạn chỉ mới hiểu lơ lớ ý nghĩa của câu hỏi. Những gì các bạn tiếp nhận nó vẫn ở dạng thô, chưa đủ tinh để hiểu hết toàn bộ. Cách nghe lại những gì cơ bản và nâng cao nó lên là biện pháp rất tốt để cải thiện kĩ năng nghe.
Mấy hôm trước tôi có thấy bộ sách Tactics for Listening khá hay được chia sẻ rầm rộ. Tôi mò về download thử thì phát hiện ra đây chính là một trong số những bộ sách ngày xưa tôi từng dùng. Nó chia làm 3 cấp độ, Basic, Developing và Expanding. Còn chần chừ gì nữa mà không vợt nó về hả các bạn?
Trước đây tôi rất thành công với việc luyện nghe Podcast, thế nên tôi hướng các bạn vào nghe thứ thế giới tuyệt diệu này. Bạn nào mê phim, thích hình ảnh hay Youtube có thể đọc đến đây thôi, vì cách này không dành cho các bạn. Luyện nghe, quan trọng nhất là phù hợp.
Tôi từng giải thích lí do vì sao tôi chọn nghe Podcast: (1) đa dạng chủ đề; (2) dễ nghe, âm thanh nét; (3) không dễ bị xao nhãng vì không có hình; (4) nhiều, dễ download, dung lượng nhẹ.
Do 4 cái đầu dòng quá chi là tuyệt vời này mà tôi quyết định sẽ chỉ dùng Podcast để luyện nghe. Thực ra, có một bí mật nho nhỏ thế này cho mọi người muốn cải thiện kĩ năng nghe của mình: không cần luyện quá nhiều sách vở, chỉ cần 1,2 quyển bạn thấy hay là được. Với tôi, Podcast là vị cứu tinh.
Tôi nhớ đợt năm lớp 11, cả mùa hè cứ bật diễn văn của anh trai tôi là Obama lên nghe. Sướng rơn cả người. Mấy cái cụm như “scorching heat” hay “unsung hero” chính là tôi học được từ bài diễn văn của anh trai.
Để nghe được Podcast, các bạn cứ down app Stitcher về, hoặc dùng chính website xộc thẳng vào hang ổ kẻ địch mà download thôi. Tôi thích nhất nghe mấy cái về chính trị, xã hội, công nghệ, chuyện lạ, tình cảm, tâm lý, nên tôi down mấy chủ đề này về, ngày mở tầm 1-2 tiếng để nghe. Vậy thì chỉ nghe không hay là…nằm ngủ?
Lời khuyên là đừng nghe không, vì như thế rất phí. Chẳng hạn đợt trước khi thi IELTS, tôi học được cụm này: take toll on emotional well-being, thế là tôi vợt luôn, đập ngay vào bài và nở nụ cười thật tươi với giám khảo.
Hãy cầm theo một cây bút, ghi lại những cụm từ bạn thấy hay. Những từ nào bạn chưa nghe rõ, hãy đánh dấu và nghe lại. Tốt nhất nghe Podcast nên nghe ít, từ từ từng câu một cho tới khi nghe rõ cả bài. Sau đó, bạn chuyển sang nghe cái khác cũng chưa muộn.
Podcast sẽ có 2 độ khó: (1) là chỉ có một người nói ra rả suốt cả chương trình và (2) là có mấy người đối thoại với nhau. Lời khuyên là khi vừa luyện nghe thì nên nghe 1 người nói thôi cho khỏi choáng, sau đó mới tăng level khó lên bằng cách mời thêm 2,3 ông nữa. Các chủ đề luyện nghe nên là cái bạn thích và thân thuộc để tránh tình trạng ngủ quá sớm khi nghe Podcast.
Tạm thế đã nhỉ, tôi tin rằng chừng 6-10 tháng sau là khả năng nghe của các bạn sẽ rất ổn rồi. Hãy nhớ một điều nằm lòng và cực kì quan trọng: nghe là kĩ năng luyện mỗi ngày, bền bỉ và đều đặn. 1 tuần bạn ngừng nghe, coi như làm lại từ đầu. Hãy kiên trì và nhẫn nại. Tôi tai trâu còn làm được thì các bạn không lí do gì lại bó tay.

Từ: Lê Quang Minh

Post a Comment

Previous Post Next Post

Technology

Video