Chatbox

Ngữ âm quan trọng

Bài viết này tập trung vào mảng Speaking trong IELTS, một kĩ năng mà tôi nghĩ là nhiều bạn cũng cảm thấy chùn chân mỏi gối mỗi khi nghĩ tới. Làm sao mà bắn được tiếng Anh rào rào như gió, idiom collocation quất nghiêng ngả khiến giám khảo bật cả gốc? Làm sao mà idea ý tứ văng rào rào, giám khảo giơ tay ra đỡ thì cũng đã muộn? Làm sao và tại làm sao?
Trước khi mổ xẻ từng vấn đề, chúng ta cần phải nhìn chung một hướng thế này: bạn và tôi đều là người Việt Nam, nói tiếng Việt như hát hay, thế nên nói tiếng Anh có dở hoặc chưa đúng cũng là điều hết sức bình thường. Đừng quá khổ tâm khi mãi chưa nói được câu nào dài quá 10 từ hay ý tứ còn lộn xộn. Bọn Tây học tiếng Việt cũng thế thôi, chẳng có ưu việt gì hơn cả.
Tuy nhiên, dù bạn nói chưa được hay, gió máy chưa được nhiều, thì bạn cũng cần nói đúng. Tức là cách bạn phát âm hay ngữ âm của bạn phải chuẩn. Bạn có thể nói kiểu gì cũng được, luyến láy trên trời dưới ruộng đều ngon, nhưng khi phát âm từ “Beach”, nó phải là một bãi biển xanh ngút tầm mắt chứ không phải một cô em “Bitch” mắt xanh mỏ đỏ nào khác. Khi bạn nói “Happiness”, đó phải là niềm hạnh phúc chứ không phải là “Have Penis”. Đó là ngữ âm.
Để cải thiện ngữ âm tôi nghĩ cực kì đơn giản, vì cơ bản các bạn cần hiểu rằng nói chuẩn là thứ ai cũng làm được. Bạn chỉ cần đặt lưỡi, răng, môi đúng chỗ thì chắc chắn là phát âm phải chuẩn. Đừng răng môi lẫn lộn là được. Hãy thử lên Youtube, có nhiều trang hoặc thầy cô giới thiệu cách phát âm lắm. Nào là âm /th/ đọc thế nào, âm /sh/ chu mỏ ra sao…Yên tâm, nhiều và rất chính xác.
Khi bạn đã làm chủ bảng phát âm và biết cách nhìn từ điển đọc một từ mới tinh, chúng ta sẽ nói tới vấn đề thứ hai, đó là làm sao để bật ra thành câu hoàn chỉnh.

Xây nhà từ gốc

Tôi hứa sẽ không ra rả bài ca quen thuộc, ngữ pháp từ vựng là quan trọng khi viết bài này đâu, thế nên các bạn hãy ý thức học ngữ pháp thật tốt và nhồi vịt từ vựng giúp tôi. Nói là kĩ năng của phản xạ, mà phản xạ phải do vốn liếng, chứ làm sao bạn có thể tự “nghĩ” ra một câu mới tinh bằng các từ chưa bao giờ học được?
Khi có ngữ pháp chắc rồi, ít nhất các bạn cũng biết được nói các tình huống đơn giản, giả dụ như giới thiệu tên tuổi, địa chỉ, nhà em nuôi chó không, ngày nó ăn mấy bữa…Để nói được mọi chủ đề, cách dễ nhất là chuẩn bị các chủ đề thân thuộc. Các bạn liệt kê giúp tôi 20 chủ đề thân thuộc, từ sở thích, món ăn, gia đình, nhà trường, tình yêu, bạn bè, rồi chuẩn bị các bài nói tương ứng. Thậm chí, học thuộc khi cần.
Tại sao lại cần kiểu chuẩn bị xôi thịt này? Vì nếu không có sự lường trước trong đầu, đảm bảo các bạn sẽ chết đứ đừ khi nói trực tiếp cho xem. Thử nghĩ mà xem, một người dù trình độ IELTS rất cao (8.0 Speaking chẳng hạn), nhưng được đưa vào chủ đề blockchain, AI, machine learning thì cũng không thể nói được, do họ không chuẩn bị và không có vốn từ cần thiết. Sự chuẩn bị là rất cần cho mọi bài nói hiệu quả.
Vấn đề tiếp theo sau khi chuẩn bị kha khá từ vựng và ngữ pháp, đó là hãy làm sao nói câu dài một chút và hơi Tây một chút. Đây là bước các bạn phải chủ động sửa cho chính mình bằng cách ghi âm lại và bật lên nghe “tác phẩm” của mình. Tôi sẽ ví dụ cụ thể bằng minh họa dưới đây:
I have a house – Câu này quá đơn giản rồi đúng không?
Để biến một câu đơn giản thành câu phức tạp, hãy thay tất cả những từ đơn giản thành từ phức tạp. Dễ không, nhìn nhé:
I possess an extremely magnificent mansion, which is located in close proximity to a beautiful park.
Ví dụ trên cho ta thấy điều gì? Chỉ cần thay “have” bằng “possess”, thêm mệnh đề quan hệ, thay các từ “close” bằng “close proximity to”, mọi chuyện đã khác. Đã Tây hơn chưa, đã khác bọt hơn chưa? Các bạn hiểu tác dụng của học từ mới và ngữ pháp chắc là gì rồi đúng không. Đừng ngần ngại mà cày đọc hiểu, ngữ pháp ngay hôm nay các bạn ạ. Thời gian các bạn vò đầu bứt tai khi học sẽ được trả giá bằng sự kiêu hãnh ở công ty hay trường học.

Có nên nói như gió?

Nhiều bạn hay khoe, tớ có anh XYZ nói tiếng Anh như gió. Bản chất của tiếng Anh là có âm gió rồi, nên kể cả người kém tới mấy cũng nói như gió. Các bạn cứ nói thử âm “f”, âm “v” xem có phần phật không.
Tuy nhiên, lời khuyên và kinh nghiệm của tôi là không nên nói như gió và nói quá nhanh. Nói quá nhanh không tốt, thậm chí gây tác dụng ngược nếu người đối diện không hiểu. Đừng bị cái mác “nói như gió” làm bạn buộc phải nói nhanh quá đáng. Nói vừa phải, từ tốn, có nội dung, nó sẽ đập chết nói như gió. Trừ dân làm nghề dịch như tôi, nói nhanh là phản xạ trong tiềm thức rồi, không nhanh thì không có lương các bạn ạ.

Post a Comment

Previous Post Next Post

Technology

Video