Chatbox

Phần 4: Di truyền học


Câu 1. (1,5 điểm) Nêu vai trò của intron trong cấu trúc gen phân mảnh. Những thay đổi nào trong trình tự các nucleotit ở vùng intron có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể sinh vật? 

Câu 2. (1,0 điểm) So sánh hoạt động của operon lac (lactozơ) và operon trp (tryptophan) trong điều hoà âm tính ở E.coli.

Câu 3. (0,15 điểm)Trong quá trình dịch mã, các bộ ba UAA, UAG và UGA là các bộ ba kết thúc vì 
A. riboxom và các yếu tố kết thúc dịch mã nhận ra các bộ ba mã kết thúc.
B. không có tARN nào có thể lắp ghép vào mã bộ ba này trong quá trình dịch mã.
C. nhờ hoạt tính của enzim peptydyl transferaza nhận ra những mã bộ ba này.
D. không có axit amin tương ứng.

Câu 4. (0,15 điểm) Một ngân hàng cADN là một tập hợp các dòng vi khuẩn, trong đó mỗi cADN riêng biệt là từ một cá thể và được phiên mã ở dạng mARN. Chọn trình tự đúng trong một thí nghiệm sản xuất cADN?
1. Chế biến mARN.
2. Xử lý với ARNaza.
3. Thêm đoạn mồi poly T.
4. Thêm ADN polymeraza I.
5. Xử lý với ADNase.
6. Thêm enzim phiên ngược.
7. ADN khuôn.
8. Phức hệ ADN-ARN.
A. (1) → (3) → (6) → (7) →(4)
B. (5) → (2) → (3) → (6) →(1)
C. (8) → (2) → (3) → (6) →(1)
D. (1) → (5) → (2) → (7) →(6)

Câu 5. (0,15 điểm)Nguyên nhân chính nào dưới đây giúp giải thích hiện tượng một gen của sinh vật nhân thực điển hình có thể đáp ứng với một nhóm các tín hiệu điều hoà đa dạng hơn nhiều so với một gen của sinh vật nhân sơ điển hình?
A. Tế bào sinh vật nhân thực có 3 loại ARN polymeraza.
B. Các enzim polymeraza ở nhân sơ cần các yếu tố phiên mã chung.
C. Sự phiên mã các gen sinh vật nhân thực bị ảnh hưởng bởi nhiều prôtêin liên kết cách xa promotơ.
D. Gen sinh vật nhân thực được đóng gói chặt trong nhiễm sắc thể.
E. Vùng mã hoá prôtêin của các gen sinh vật nhân thực dài hơn nhiều so với các gen của sinh vật nhân sơ

Câu 6. (0,15 điểm) Phát biểu nào dưới đây SAI ?
A. Tế bào nhân thực có 3 loại ARN polymeraza, tế bào nhân sơ có 1 loại ARN polymeraza.
B. Sự sắp xếp lại chất nhiễm sắc liên quan đến các prôtêin histon có vai trò quan trọng trong điều hoà hoạt động gen ở các sinh vật nhân thực và nhân sơ.
C. Các prôtêin hoạt hoá và ức chế đều được tìm thấy trong điều hoà gen ở sinh vật nhân thực và nhân sơ.
D. Các enzim ARN polymeraza của sinh vật nhân thực vẫn có các yếu tố phiên mã chung, trong khi enzim ARN polymeraza của sinh vật nhân sơ thì không.
E. Bản phiên mã mARN của sinh vật nhân thực cần được cải biến trước dịch mã, trong khi bản phiên mã mARN của sinh vật nhân sơ thì không.

Câu 7. (0,15 điểm) Điều nào sau đây là KHÔNG đúng đối với tác động của gen nhảy?
A. Gen nhảy có trình tự tương đồng phân tán khắp hệ gen làm hạn chế sự tái tổ hợp có thể xảy ra giữa các NST không tương đồng.
B. Sự xâm nhập của gen nhảy vào các vùng điều hoà hay mã hoá của gen có thể thay đổi biểu hiện của gen.
C. Các gen nhảy có thể mang theo các gen, dẫn đến sự phân tán mới của các gen và trong một số trường hợp dẫn đến sự biểu hiện kiểu hình mới của chúng.
D. Nếu gen nhảy mang theo EXON và cài nó vào một gen, thì nó có thể bổ sung. thêm một miền chức năng mới vào phân tử prôtêin ban đầu, kiểu xáo trộn exon.

Câu 8. (0,15 điểm) Cơ chế phổ biến nhất để ức chế sự biểu hiện các gen ở sinh vật nhân thật là ở khâu:
A. biến đổi chất nhiễm sắc.
B. khởi đầu phiên mã.
C. khởi đầu dịch mã.
D. hoàn thiện ARN.

Câu 9. (0,15 điểm) Giả sử bạn phân lập và nhân dòng được cDNA mã insulin ở người và chuyển được gen này vào E. coli, song gen insulin trong tế bào E.coli không thấy biểu hiện. Những nguyên nhân nào dưới đây có thể giải thích hiện tượng này?
I. cDNA bị cài vào plasmit vi khuẩn ngược chiều.
II. cDNA chứa trình tự Shine-Dalgrno bị biến đổi.
III. Intron có mặt trong vùng mã hoá.
IV. cDNA mã prôtêin, nhưng prôtêin không được biến đổi sau dịch mã E. coli.
A. I, II và III.
B. I, II và IV.
C. I, III và IV.
D. II, III và IV.
E. Vì tất cả những nguyên nhân trên.

Câu 10. (0,15 điểm) Phân tử nào dưới đây là một ví dụ về ribozim.
A. ARN polymeraza.
B. ADN polymeraza.
C. ARN ribosome (rARN) 18S.
D. Enzim phiên mã ngược (reverse transcriptaza).

Câu 11. (0,15 điểm) Gen mới với vai trò mới có thể xuất hiện sau quá trình nào sau đây?
A. Biến nạp gen B. Lặp gen
C. Hoàn thiện ARN
D. Cắt nối intron
E. Hoàn thiện prôtêin

Câu 12. (0,15 điểm)Trong thời gian gần đây, người ta thường sử dụng phương pháp so sánh trình tự ADN hệ gen ti thể ở các sinh vật để tìm hiểu các thay đổi tiến hoá vì
A. ADN ti thể nhỏ kích thước nhỏ.
B. ADN ti thể có số lượng lớn trong mỗi tế bào.
C. ADN ti thể chỉ được di truyền qua dòng mẹ.
D. ADN ti thể không có khả năng tái tổ hợp. E. ADN ti thể có tốc độ đột biến tương đối cao.

Câu 13. (1,0 điểm) Gen giả được hình thành bằng những con đường nào? Gen giả có vai trò gì trong tiến hoá hệ gen?

Câu 14. (0,75 điểm) Những loại đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể nào có thể làm tăng sự biểu hiện của một gen nhất định? Giải thích.

Câu 15. (1,0 điểm) Ở một loài, alen A quy định lông mượt, còn alen a quy định lông xù. Khi lai con cái thuần chủng lông mượt với con đực lông xù, được F1 có tỷ lệ 1 con lông mượt: 1 con lông xù. F1 giao phối với nhau được F2 có tỷ lệ 1 con lông mượt: 1 con lông xù. Giải thích kết quả của phép lai và viết sơ đồ lai từ P đến F2.

Câu 16. (0,5 điểm) Để đánh giá tác động của các vụ nổ nguyên tử lên hệ gen của người, công việc đầu tiên mà những nhà nghiên cứu thường hay tiến hành là đánh giá tỷ lệ con trai/con gái của những người sống sót sau các vụ nổ nguyên tử. Giải thích tại sao các nhà nghiên cứu lại tiến hành như vậy.

Câu 17. (1,0 điểm) Ở cây ngô, alen A quy định lá màu xanh đậm nằm trên nhiễm sắc thể số 1, alen lặn a quy định lá màu xanh nhạt; alen B nằm trên nhiễm sắc thể số 5 quy định bắp ngô to, alen lặn b quy định bắp ngô nhỏ. Cho hai dòng ngô thuần chủng lá màu xanh đậm, bắp to và lá màu xanh nhạt, bắp ngô nhỏ giao phấn với nhau được F1. Các cây F1 đều có khả năng sinh sản bình thường. Khi một cây ngô F1 tự thụ phấn tạo ra một số lượng lớn cá thể ở F2, trong đó 1/4 số cá thể lá màu xanh nhạt, bắp nhỏ. Hãy giải thích kết quả ở F2.

Câu 18. (1,0 điểm) Giải thích tại sao nguy cơ mắc bệnh ung thư thường tăng theo lứa tuổi.
a) Tại sao giống với nhiều bệnh truyền nhiễm, trong điều trị các bệnh ung thư, các bác sĩ thường đồng thời sử dụng hai loại thuốc (hoá trị liệu) khác nhau?

Câu 19. (1,0 điểm) Ở một sinh vật lưỡng bội, trong một con đường chuyển hoá cơ chất A → C có sự tham gia của hai enzim do hai gen quy định:
E1 xúc tác phản ứng chuyển hoá A → B,
E2 xúc tác phản ứng chuyển hoá B→ C.
Dạng đột biến e1 có hoạt tính bằng 40% E1, dạng đột biến e2 có hoạt tính bằng 30% E2. Đối với cả hai enzim, mỗi gen đóng góp 50% cho tổng lượng prôtêin có trong tế bào và cả hai phản ứng đều có cùng tốc độ như trong tế bào kiểu dại. Nếu một quần thể đang ở trạng thái cân bằng di truyền về hai cặp alen E1e1 và E2e2 với tần số qe1= 0,6 và qe2= 0,4 thì tỷ lệ cá thể có sản phẩm trung gian B tích luỹ cao hơn bình thường (kiểu dại) là bao nhiêu?

Câu 20. (0.1 điểm) Khi xử lý hạt của cây có hoa màu đỏ thuần chủng bằng tác nhân đột biến hoá học để tạo ra một quần thể có cây đột biến; ba thể đột biến lặn đã được tạo ra ký hiệu là Wf1, Wf2 và Wf3 cho hoa màu trắng. Khi lai các thể đột biến với nhau thu được kết quả như sau:
Phép lai Wf1 x Wf3 (P) thì thu được ở F2 toàn cây hoa màu trắng, còn phép lai Wf2 x Wf3 (P) thì ở F2 cho tỷ lệ 9 cây hoa màu đỏ: 7 cây hoa màu trắng.
Dựa vào số liệu trên, nhận định nào dưới đây là SAI?
A. Các cây F1 của phép lai Wf1 và Wf2 đều có hoa màu trắng.
B. Màu hoa được quy định bởi 2 gen và di truyền theo quy luật tương tác bổ sung.
C. Wf2 và Wf3 là hai thể đột biến gen lặn khác lôcut.
D. Cho cây F1 được tạo từ phép lai Wf2 và Wf3 giao phấn với Wf1 sẽ cho đời con có tỷ lệ 1 cây hoa đỏ: 1 cây hoa trắng.

Câu 21. (0.1 điểm) Cho các thông tin sau:
 1. Trong tế bào chất của một số vi khuẩn không có plasmit.
2. Vi khuẩn sinh sản nhanh, thời gian thế hệ ngắn.
3. Chất nhân chỉ chứa 1 phân tử ADN kép vòng, nhỏ nên các đột biến khi xảy ra đều biểu hiện ra ngay kiểu hình.
4. Vi khuẩn có thể sống kí sinh, hoại sinh hoặc tự dưỡng.
5. Vi khuẩn không chỉ có khả năng truyền gen theo chiều dọc và còn có khả năng truyền gen theo chiều ngang. Các thông tin nào được dùng làm căn cứ để giải thích sự thay đổi tấn số alen trong quẩn thể vi khuẩn nhanh hơn so với sự thay đổi tần số alen của quần thể sinh vật nhân thực lưỡng bội?
A. 1, 2, 3.
B. 2, 3, 4.
C. 2, 3, 5.
D. 1, 2, 4.
E. 3, 4, 5.

Câu 22. (0.1 điểm) Ở ruồi giấm, màu thân vàng và mắt trắng đều do gen lặn liên kết với nhiễm sắc thể X qui định. Các con đực kiểu dại lai với ruồi cái thân vàng, mắt trắng và F1 được tạo ra có lượng kiểu hình được ghi trong bảng dưới đây:
Nhóm cá thể con
Kiểu hình và giới tính đời con
(a)
Con cái kiểu dại
(b)
Con đực thân vàng, mắt trắng
(c)
Con cái thân vàng, mắt trắng
(d)
Con đực kiểu dại

Cách giải thích nào dưới đây là đúng nhất giải thích cho việc xuất hiện nhóm cá thể con (c) và (d)?
A. tái tổ hợp xảy ra ở giảm phân I
B. tái tổ hợp xảy ra ở giảm phân II
C. Đột biến xôma xuất hiện ở các con ruồi kiểu dại.
D. Không phân ly cặp nhiễm sắc thể giới tính trong giảm phân

Câu 24. (0,15 điểm) Ở ruồi giấm, gen B quy định thân xám, b- thân đen. Cho ruồi thân xám và thân đen giao phối với nhau được F1 có tỷ lệ 50% ruồi thân xám: 50% ruồi thân đen. Tiếp tục cho ruồi F1 giao phối với nhau được F2, thống kê kết quả ở cả quần thể có tỷ lệ kiểu hình:
A. 1 ruồi thân đen: 3 ruồi thân xám.
B. 9 ruồi thân đen: 7 ruồi thân xám.
C. 1 ruồi thân đen: 1 ruồi thân xám.
D. 7 ruồi thân đen: 9 ruồi thân xám.
E. 13 ruồi thân đen: 3 ruồi thân xám.



Post a Comment

Previous Post Next Post

Technology

Video